Danh sách tất cả các loại Bằng lái xe ô tô, mô tô hiện hành tại Việt Nam
Có giấy phép lái xe ô tô, xe máy là điều kiện bắt buộc để bạn được phép tham gia giao thông đường bộ một cách hợp pháp. Các loại giấy phép lái xe hiện hành được quy định rõ theo Luật Giao thông đường bộ và cụ thể hơn là Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Định nghĩa giấy phép lái xe
Giấy phép lái xe là tên gọi chính thức của một loại chứng chỉ được cơ quan nhà nước hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép cho người tham gia giao thông được phép điều khiển các loại phương tiện nhất định. Thông thường giấy phép lái xe được gọi tắt là bằng lái xe hoặc bằng lái, được cấp sau khi bạn hoàn thành khoá học theo quy định và thi sát hạch bằng lái xe ô tô, xe máy.
Tại các tỉnh thành trên cả nước, thông thường Sở Giao thông vận tải sẽ là đơn vị quản lý việc đào tạo và tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô, xe máy. Trong một số trường hợp đặc thù như lực lượng an ninh, cảnh sát thì giấy phép lái xe sẽ được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép. Để có được giấy phép lái xe, người sở hữu phải trải qua quá trình học và thi theo quy định.
Nói về các loại giấy phép lái xe hiện hành tại Việt Nam, có thể chia thành 2 nhóm chính: giấy phép lái xe máy và giấy phép lái xe ô tô.
Các loại giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy
Theo Thông thư 12/2017/TT-BGTVT thì hiện nay, các loại giấy phép lái xe mô tô, xe gắn máy được phân loại như sau:
Giấy phép lái xe mô tô hạng A1
Đây là loại bằng lái xe máy cho phép người điều khiển xe mô tô loại 2 bánh có dung tích xilanh từ 50cc đến dưới 175cc. Loại xe mô tô 3 bánh dành cho người khuyết tật cùng hạng phân khối này cũng sẽ được cấp phép loại bằng này. Bằng A1 hiện không có thời hạn.
Giấy phép lái xe mô tô hạng A2
Bằng lái xe máy hạng A2 cho phép người sở hữu điều khiển các loại xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh có dung tích xilanh từ 175cc trở lên. Khi có bằng A2, người sở hữu cũng được phép điều khiển tất cả các loại xe trong phạm vi bằng A1. GPLX A2 hiện cũng không giới hạn về thời hạn sử dụng.
Giấy phép lái xe hạng A3
Giấy phép lái xe hạng A3 cho phép người sở hữu điều khiển xe mô tô, xe gắn máy loại 3 bánh bao gồm cả xích lô máy và xe lam. Bên cạnh đó, người sở hữu cũng được sử dụng cả các xe trong phạm vi bằng A1. Hiện nay, bằng lái xe A3 cũng không giới hạn về thời hạn sử dụng.
Giấy phép lái xe hạng A4
Bằng lái xe hạng A4 được cấp phép cho người điều khiển các loại xe kéo có gắn máy – xe đầu kéo trọng tải nhỏ dưới 1000kg. Khác với 2 loại bằng lái xe máy kể trên, bằng A4 không đồng nghĩa với việc bạn được phép điều khiển các loại xe trong phạm vi bằng A1, A2, A3. Hiện nay, giấy phép lái xe hạng A4 có giới hạn sử dụng trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp bằng.
Điều kiện thi bằng lái xe máy (tất cả các hạng bằng) đều chỉ yêu cầu người thi đủ 18 tuổi trở lên. Hồ sơ đăng ký học và thi bao gồm đơn đăng ký, bản sao chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe, ảnh hồ sơ 4×6.
Bằng lái xe – giấy phép lái xe ô tô tại Việt Nam hiện có tất cả 6 loại bao gồm: B1, B2, C, D, E, F. Mỗi loại giấy phép lái xe ô tô đều có quy định cụ thể về điều kiện thi, loại phương tiện được phép sử dụng và thời hạn sử dụng.
> Xem thêm: Bằng lái xe A1, A2 A3, A4 là gì? Cụ thể chạy được những loại xe gì?
Các loại bằng lái xe ô tô
Bằng lái xe ô tô hạng B1
Giấy phép lái xe ô tô hạng B1 còn được gọi là bằng lái xe B1 là một trong những loại giấy phép thông dụng nhất. Trong tất cả các loại giấy phép lái xe ô tô thì đây là loại duy nhất không cho phép người sở hữu hành nghề lái xe.
Các loại phương tiện được phép điều khiển và thời hạn sử dụng bằng
Giấy phép này được cấp phép cho người điều khiển các loại phương tiện giao thông sau đây:
- Xe ô tô số tự động có từ 4 – 7 chỗ ngồi, bao gồm cả chỗ ngồi người lái xe.
- Xe ô tô tải, xe ô tô chuyên dụng có trọng tải thiết kế dưới 3500kg
- Xe ô tô đầu kéo, kéo 1 rơ mooc có trọng tải thiết kế dưới 3500kg
Giấy phép lái xe B1 được chia thành 2 loại là B11 và B12. Khi nhắc đến bằng lái xe ô tô B1 mà không nói gì thêm thì hầu hết chúng ta đều hiểu là bằng B11. Thực tế, không có sự khác biệt quá lớn giữa 2 hạng bằng này và hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe đều cung cấp chương trình đào tạo lái xe và thi bằng B11.
So với các loại giấy phép lái xe ô tô hiện hành, bằng B1 có thời hạn sử dụng dài nhất. Đối với nam giới, bằng lái xe B1 có giá trị cho tới khi người lái xe 60 tuổi. Đối với nữ giới, bằng lái xe B2 có giá trị cho tới khi người lái xe 55 tuổi.
Điều kiện học và thi bằng lái xe ô tô B1
- Người học lái xe là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên (tính đủ tháng cho tới ngày thi sát hạch)
- Có chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng
- Sức khoẻ tốt, không bị dị tật 2 ngón tay trở lên hoặc cụt 1 bàn chân.
Khi đủ những điều kiện này, bạn được phép đăng ký học và thi sát hạch bằng lái xe hạng B1. Hồ sơ học lái xe B1 bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đăng ký học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
- Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe
- Ảnh hồ sơ kích cỡ 3×4
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (không cần công chứng)
>> Xem thêm: Cập nhật chi tiết học phí học bằng lái xe ô tô B1 năm 2021 chính xác
Giấy phép lái xe ô tô hạng B2
B2 cũng là loại giấy phép lái xe ô tô phổ biến tương tự như B1, điểm khác biệt lớn nhất là người sở hữu bằng B2 được phép hành nghề lái xe. Mặc dù dòng xe ô tô số tự động ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường nhưng nghề lái xe lại có sức hấp dẫn lớn đối với đông đảo người lao động hiện nay. Vậy nên nhu cầu học lái xe ô tô hạng B2 vẫn không ngừng tăng lên.
Các loại phương tiện được phép điều khiển và thời hạn sử dụng bằng
Bằng lái xe ô tô hạng B2 cho phép người điều khiển các loại phương tiện sau đây:
- Xe ô tô số sàn loại từ 4 – 7 chỗ ngồi (bao gồm cả ghế ngồi người lái xe)
- Xe ô tô tải, xe chuyên dụng số sàn trọng tải thiết kế dưới 3500kg
- Xe ô tô đầu kéo loại kéo 1 rơ mooc có trọng tải thiết kế dưới 3500kg
- Tất cả các loại xe trong phạm vi cho phép của giấy phép lái xe ô tô hạng B1
Bằng lái xe hạng B2 có thời hạn sử dụng trong vòng 10 năm kể từ ngày được cấp bằng.
Điều kiện học và thi bằng lái xe B2
- Người học lái xe là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên (tính đủ tháng cho tới ngày thi sát hạch)
- Có chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng
- Sức khoẻ tốt, không bị dị tật 2 ngón tay trở lên hoặc cụt 1 bàn chân.
Khi đủ những điều kiện này, bạn được phép đăng ký học và thi sát hạch bằng lái xe hạng B2. Hồ sơ học lái xe B2 bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đăng ký học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
- Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe
- Ảnh hồ sơ kích cỡ 3×4
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (không cần công chứng)
>> Xem thêm: Hồ sơ thi bằng lái xe B2 năm 2021 bao gồm những gì?
Giấy phép lái xe hạng C
Bằng lái xe ô tô hạng C là loại chứng chỉ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người hành nghề lái xe tải. Công năng của loại giấy phép lái xe ô tô này rộng hơn so với bằng B1, B2 nên nhiều người lựa chọn học và thi, nhất là những người có ý định hoặc đang hành nghề lái xe, muốn tiếp tục làm nghề này trong tương lai.
Các loại phương tiện được phép điều khiển và thời hạn sử dụng GPLX hạng C
Sau khi trải qua khóa học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô hạng C, người sở hữu sẽ được cấp phép điều khiển các loại phương tiện sau đây:
- Xe ô tô tải, kể cả xe ô tô chuyên dụng có trọng tải thiết kế từ 3500kg trở lên
- Xe đầu kéo, loại kéo 1 rơ mooc có trọng tải thiết kế từ 3500kg trở lên
- Tất cả các loại xe ô tô trong phạm vi quy định của bằng lái xe hạng B1 và B2
- Bằng lái xe ô tô hạng C có thời hạn sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp bằng.
Bằng lái xe hạng C có thời hạn sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp.
Điều kiện học và thi giấy phép lái xe ô tô hạng C
Trong tất cả các hạng giấy phép lái xe ô tô, bằng C cũng là bằng mà người học được học và thi dù chưa từng có bằng lái xe hoặc chưa biết lái xe ô tô trước đó. Với hạng bằng này, bạn cần đạt đủ các điều kiện cơ bản sau đây:
- Người học và thi bằng lái xe hạng C cần đủ 21 tuổi trở lên (đủ tháng, tính đến ngày thi sát hạch)
- Là công dân Việt Nam có giấy tờ tùy thân còn hạn sử dụng (chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu)
- Trình độ văn hoá cấp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên
- Có sức khoẻ tốt, không dị tật 2 ngón tay trở lên hoặc cụt 1 bàn chân
Khi đủ những điều kiện này, bạn được phép đăng ký học và thi sát hạch bằng lái xe hạng C. Hồ sơ học lái xe hạng C bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đăng ký học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
- Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe
- Ảnh hồ sơ kích cỡ 3×4
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (không cần công chứng)
- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc cấp tương đương, không cần công chứng
Bằng lái xe hạng D
Kể từ giấy phép lái xe ô tô hạng D trở lên người học và thi bắt buộc phải có bằng lái xe hạng B2 hoặc C trước đó. Người ta thường gọi là nâng dấu bằng lái xe. Với bằng lái xe hạng D, người sở hữu được phép hành nghề tài xế lái xe chuyên nghiệp và phải đáp ứng nhiều điều kiện bắt buộc, đặc thù trong ngành.
Các loại phương tiện được phép điều khiển khi có GPLX hạng D
Giấy phép lái xe ô tô hạng D được cấp phép cho người điều khiển các loại phương tiện sau đây:
- Xe ô tô loại xe chở khách từ 10 – 30 chỗ ngồi, bao gồm cả chỗ ngồi người lái xe.
- Tất cả các loại xe ô tô trong phạm vi quy định của bằng lái xe hạng B1, B2 và C.
Thời hạn sử dụng bằng lái xe hạng D là 5 năm, kể từ ngày cấp bằng.
>> Xem thêm: Bằng lái xe hạng D là gì? Những điều nhất định phải biết về bằng này
Điều kiện thi học và thi bằng lái xe hạng D
Với đặc thù là học và thi nâng hạng giấy phép lái xe nên những người mong muốn sở hữu bằng lái xe hạng D cần đạt đủ các điều kiện cần thiết sau đây:
- Là công dân Việt Nam từ đủ 24 tuổi trở lên và đã có bằng lái xe hạng B2 hoặc C trước đó
- Trình độ học vấn cấp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên
- Đối với người có bằng lái xe hạng B2, cần đạt đủ 5 năm trở lên hành nghề lái xe và có từ 100.000km lái xe an toàn trở lên.
- Đối với người có bằng lái xe hạng C, cần đạt đủ 3 năm hành nghề lái xe và có từ 50.000km lái xe an toàn trở lên.
- Sức khoẻ tốt, không bị dị tật 2 ngón tay trở lên hoặc cụt 1 bàn chân
Nếu đạt đủ các điều kiện trên, bạn được phép đăng ký học và thi nâng hạng giấy phép lái xe ô tô lên hạng D. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đăng ký học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
- Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe
- Ảnh hồ sơ kích cỡ 3×4
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (không cần công chứng)
- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc cấp tương đương, không cần công chứng
- Bản thống kê số km hành trình lái xe an toàn và giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề lái xe
Giấy phép lái xe ô tô hạng E
Đây là loại bằng lái xe ô tô cần thiết cho các tài xế chuyên nghiệp, lái xe “cứng” chuyên chở khách hoặc vận tải đường dài. Trong quy định về bằng lái xe hạng E có thêm nhiều điểm đặc thù về nghề lái xe, khác với các loại giấy phép lái xe ô tô còn lại.
Các loại phương tiện được phép điều khiển khi có bằng lái xe ô tô hạng E
Giấy phép lái xe ô tô hạng E cho phép người sở hữu được điều khiển các loại phương tiện giao thông sau đây:
- Xe ô tô chở khách, loại chuyên chở từ 30 chỗ ngồi trở lên, bao gồm cả ghế ngồi người lái xe
- Xe đầu kéo loại kéo 2 rơ mooc, trong đó rơ mooc thứ 2 có trọng tải thiết kế không được vượt quá 750kg.
- Tất cả các loại xe ô tô trong phạm vi quy định của bằng lái xe hạng B1, B2, C và D
Tương tự như bằng lái xe hạng C, bằng lái xe ô tô hạng E có thời hạn sử dụng 5 năm kể từ ngày cấp bằng.
Điều kiện học và thi giấy phép lái xe ô tô hạng E
Điều kiện học và thi nâng hạng giấy phép lái xe ô tô hạng E cao hơn so với giấy phép lái xe hạng D. Đặc biệt người lái xe cần đạt đủ điều kiện về số năm hành nghề và số km lái xe an toàn. Cụ thể các điều kiện bắt buộc bao gồm:
- Điều kiện về độ tuổi: công dân phải đủ 27 tuổi trở lên, không quá 50 tuổi nếu là nữ và không quá 55 tuổi nếu là nam.
- Điều kiện về thời gian hành nghề lái xe: người học cần có bằng C, có từ 5 năm hành nghề lái xe liên tục và có đủ 100.000km lái xe an toàn trở lên. Còn đối với người có bằng D muốn học bằng E thì cần có ít nhất 3 năm hành nghề lái xe trở lên và có từ 50.000km lái xe an toàn trở lên.
- Người học lái xe phải có trình độ học vấn cấp trung học cơ sở hoặc cấp tương đương trở lên.
- Sức khoẻ tốt, không bị dị tật 2 ngón tay trở lên hoặc cụt 1 bàn chân
Nếu đạt đủ các điều kiện trên, bạn được phép đăng ký học và thi nâng hạng giấy phép lái xe ô tô lên hạng D. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đăng ký học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ
- Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe
- Ảnh hồ sơ kích cỡ 3×4
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu (không cần công chứng)
- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc cấp tương đương, không cần công chứng
- Bản thống kê số km hành trình lái xe an toàn và giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề lái xe
Giấy phép lái xe ô tô hạng F ( FB2, FC, FD, FE )
Đây là nhóm bằng lái xe đặc thù, cấp cho người hành nghề lái xe các hạng B2, C, D, E điều khiển các loại xe đầu kéo kéo rơ mooc với trọng tải thiết kế từ 750kg trở lên. Quy định cụ thể về các hạng giấy phép lái xe ô tô hạng F tương ứng như sau:
- Giấy phép lái xe ô tô hạng FB2 là loại chứng chỉ được cấp phép cho người đã có bằng lái xe B2, được phép điều khiển các loại xe kéo kéo 1 rơ mooc với trọng tải thiết kế 750kg trở lên.
- Giấy phép lái xe ô tô hạng FC cho phép người sở hữu điều khiển các loại xe kéo kéo 1 rơ mooc, xe ô tô có đầu kéo sơ mi rơ mooc và tất cả các loại xe trong phạm vi quy định của bằng B1, B2, FB2.
- Giấy phép lái xe ô tô hạng FD cho phép người sở hữu điều khiển các loại xe trong phạm vi quy định của bằng D, loại kéo thêm 1 rơ mooc có trọng tải thiết kế ở rơ mooc thứ 2 không quá 750kg.
- Giấy phép lái xe ô tô hạng FE cho phép người sở hữu điều khiển tất cả các loại xe trong phạm vi bằng B1, B2, C, D, FB2, FC, FD. Bên cạnh đó người sở hữu bằng này được phép điều khiển xe ô tô chở khách có nối toa và container loại trọng tải lớn.
Tất cả các loại giấy phép lái xe hạng F đều có thời hạn sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp bằng.
Tóm lại, các loại giấy phép lái xe ô tô thông dụng nhất hiện nay và dễ học, dễ đào tạo nhất là hạng B1, B2, C. Từ hạng D trở lên, người học cần có ít nhất bằng lái xe hạng B2 và bắt buộc phải thi nâng hạng.
Trên đây là thông tin tổng hợp tất cả các loại giấy phép lái xe ô tô và xe máy hiện hành tại Việt Nam. Hi vọng rằng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về hệ thống các loại bằng lái xe cơ giới đường bộ và có kế hoạch lựa chọn học và thi loại giấy phép lái xe phù hợp với nhu cầu bản thân.